Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Biến đổi khí hậu và sức khoẻ con người

Biến đổi khí hậu, kéo theo là thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan như làm tăng tần suất và cường độ bão, nhiệt độ trái đất ấm dần lên và nước biển dâng…, đang trở thành mối đe dọa toàn cầu trong TK 21 và tác động tới tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Tổ chức Y tế thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết khoảng 77.000 ca tử vong mỗi năm tại khu vực này được cho là do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Sự gia tăng về nhiệt độ làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người, nhất là với người già, người mắc bệnh tim mạch, bệnh thần kinh. Tình trạng nóng lên làm thay đổi cấu trúc mùa nhiệt hàng năm dẫn tới thay đổi đặc tính trong nhịp sinh học của con người. Đợt nóng năm 2003 ở Tây Âu đã tử vong ước tính 40.000 đến 50.000 người, chủ yếu là người già.
Sự gia tăng về cường độ và tần số thiên tai như bão, nước biển dâng, ngập lụt, hạn hán, mưa lớn và sạt lở đất… làm tăng số người bị thiệt mạng và ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe cộng đồng do môi nhiễm môi trường, suy dinh dưỡng và bệnh tật. Hàng năm trên thế giới, thiên tai đã làm khoảng 3 triệu người chết và 200 triệu người bị ảnh hưởng. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là những nhóm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người già, trẻ em và phụ nữ. Nhiệt độ ấm lên cùng lượng mưa tăng có thể gây nhiễu loạn hệ sinh thái, tác động đến các động vật ký sinh cũng như trung gian truyền bệnh. Tỷ lệ các bệnh do véc tơ truyền bệnh tiêu chảy thiệt hại ước tính hàng năm khoảng 40 tỷ USD, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong năm 2000 có khoảng 2,4% số trường hợp tiêu chảy cấp trên thế giới, 6% các trường hợp mắc sốt rét trong các nước có mức thu nhập trung bình và thấp đều có liên quan đến biến đổi khí hậu. Dự báo trong vòng 50 năm tới, thiên tai sẽ tăng lên 4 lần và 2 tỷ người trên hành tinh sẽ chịu ảnh hưởng.
Theo đánh giá của ngân hàng thế giới năm 2007, Việt Nam là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và Mê Kong bị ngập nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%; nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP khoảng 25%. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp; hậu quả của biến đổi khí hậu tạiđối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển bệnh truyền nhiễm là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế; thông thường sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các vụ dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến. Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết…) tại Việt Nam. Tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nước ta cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức, khoảng 80% dân số nông thôn Việt Nam sử dụng nước mưa, giếng khoan, giếng đào để ăn uống, sinh hoạt; những nguồn nước này rất dễ bị tác động ngày một khắc nghiệt của bão lũ, hạn hán, dịch bệnh. Sự tàn phá của thiên tai, bão lũ, hạn hán cũng đang làm kiệt quệ nguồn nước tự nhiên của Việt Nam, làm hư hại các công trình cung cấp nước sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, có thể gây ra mất ổn định an ninh xã hội.
Để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong thời gian tới cần tập trung vào một số hành động như triển khai đánh giá nguy cơ sức khỏe quốc gia có liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai, tiến hành các nghiên cứu cơ bản về mối liên quan giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe, xây dựng và điều chỉnh chiến lược, chính sách nhằm làm giảm nhẹ nguy cơ do biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường tốt, thực hiện các giải pháp về công nghệ, trang thiết bị trong dự phòng và điều trị các bệnh do biến đổi khí hậu gây nên.
Việt Nam đối phó với biến đổi khí hậu
Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3557/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2010-2015.
Mục tiêu nhằm nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sức khỏe người dân; đánh giá mô hình bệnh tật và phạm vi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sức khỏe, xác định các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế, nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và thích ứng trước các tác động của biến đổi khí hậu, hoàn thiện cơ chế chính sách và kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực của cán bộ y tế trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế, lồng ghép các hoạt động với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch hoạt động của ngành y tế. Theo đó kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015, các hoạt động của ngành y tế tập trung vào đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xác định các giải pháp ứng phó, triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan như giải pháp thích ứng với nhiệt độ cao, sóng nhiệt, các giải pháp phòng chống các bệnh truyền qua đường nước, truyền qua vật chủ trung gian. Tổng kinh phí thực hiện được cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, nguồn vốn ODA, các nguồn vốn viện trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác ước tính khoảng 166.100 triệu đồng (trong đó kinh phí cho việc đánh giá mô hình bệnh tật và phạm vi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sức khỏe: 73.200 triệu đồng; kinh phí cho việc xây dựng các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế: 22.200 triệu đồng; kinh phí cho việc nâng cao nhận thức của cán bộ y tế trong việc bảo vệ sức khỏe và thích ứng trước các tác động của biến đổi khí hậu: 52.500 triệu đồng; kinh phí cho việc hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức: 16.200 triệu đồng; kinh phí cho hoạt động kiểm tra giám sát, sơ kết tổng kết, đánh giá thực hiện chương trình: 2.000 triệu đồng).
Nội dung và giải pháp thực hiện
Đánh giá mô hình bệnh tật và phạm vi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sức khỏe:
Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới mô hình bệnh tật, tới sức khỏe người dân, tập trung vào các bệnh do nhiệt độ cao, sóng nhiệt, bệnh truyền qua nước, truyền qua vật chủ trung gian, dinh dưỡng cộng đồng; đánh giá khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đến sức khỏe.
Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế:
Xây dựng hệ thống cảnh báo tình hình dịch bệnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai các hoạt động cấp cứu ứng phó với các thảm họa, thiên tai (tai nạn, chấn thương, dịch bệnh…), xây dựng và lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng với thiên tai, thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên; xây dựng và triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng như nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng bị ảnh hưởng; tổ chức các cuộc diễn tập của ngành y tế thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
Nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và thích ứng trước các tác động của biến đổi khí hậu:
Phổ biến, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngành y tế về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cho tất cả các đơn vị trong ngành y tế. Tổ chức các hoạt động truyền thông cho cán bộ, nhân viên ngành y tế và cộng đồng về biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó; đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm chuyển tải hiệu quả các thông điệp bảo vệ sức khỏe thông quan giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu tới cộng đồng.
 Hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực:
Lồng ghép, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy pháp luật, các chính sách của ngành, sửa đổi bổ sung và ban hành các văn bản về ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng văn bản hướng dẫn cơ chế phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành trong việc biến đổi khí hậu trong lĩnh vực y tế; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, phát hiện, dự phòng và điều trị các bệnh tật do biến đổi khí hậu gây ra. Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý trên cơ sở hệ thống mạng lưới cán bộ sẵn có từ trung ương đến địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế; xây dựng, biên soạn và in ấn các tài liệu đào tạo, tập huấn về ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực y tế; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên môn trong ngành y tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe người dân và các hoạt động của ngành y tế.
Giải pháp thực hiện
Giải pháp về tổ chức quản lý và cơ chế chính sách:
Đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng, bổ sung cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Kiện toàn hệ thống tổ chức, nhiệm vụ của các đơn vị thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế. Thành lập Ban điều hành của ngành y tế chỉ đạo các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện lồng ghép việc triển khai các kế hoạch, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế vào Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành, các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ:
Tiến hành điều tra nghiên cứu, đánh giá thực trạng tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe người dân, các bệnh tật chính liên quan đến biến đổi khí hậu, các khu vực dễ bị tổn thương để có các giải pháp ứng phó kịp thời. Triển khai thử nghiệm, áp dụng, xây dựng các mô hình bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý dữ liệu về sức khỏe, mô hình bệnh tật liên quan đến biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học của các Viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở y tế.
Giải pháp xã hội hóa, phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu:
Huy động và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế. Xây dựng các đề tài, dự án huy động nguồn tài trợ về kỹ thuật và tài chính của cộng đồng quốc tế cho hoạt động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế. Duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, thiết lập mạng lưới song phương và đa phương nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên khía cạnh y tế. Nghiên cứu xây dựng cơ chế huy động, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả và thiết lập quỹ thực hiện chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành. Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương để đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng các thỏa thuận, văn bản trong nước/quốc tế về biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Giải pháp về truyền thông, giáo dục và đào tạo:
Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể về việc bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ và nhân viên y tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giải phápvề tài chính:
Nguồn kinh phí cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu liên quan tới sức khỏe được bố trí từ ngân sách nhà nước, các chương trình/dự án hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho việc triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế.
Kiểm tra giám sát:
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế. Tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất nhằm đánh giá kịp thời việc triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế. Xây dựng, hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ngành và đánh giá kết quả thực hiện chương trình hàng năm.
Tổ chức thực hiện
Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế là đơn vị thường trực Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế, đồng thời là đầu mối chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế giai đoạn 2010-2015, chỉ đạo công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành từ cấp trung ương đến địa phương; đầu mối thẩm định các chương trình, dự án báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe từ các các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Y tế. Văn phòng Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch tổng thể ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu, cung cấp các hướng dẫn ứng phó với các tình trạng khẩn cấp hoặc các hiện tượng thường gặp do nguyên nhân biến đổi khí hậu. Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế chủ trì việc triển khai các hoạt động giám sát dịch bệnh và ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Cục Quản lý khám chữa bệnh-Bộ Y tế chủ trì việc triển khai các hoạt động cấp cứu, xử trí các tai nạn thương tích do thiên tai, thảm họa và hướng dẫn điều trị các bệnh tật liên quan đến biến đổi khí hậu. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu. Vụ Khoa học & đào tạo-Bộ Y tế chủ trì các nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, là đầu mối đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu cho ngành. Vụ kế hoạch tài chính-Bộ Y tế cân đối các nguồn ngân sách, đảm bảo ưu tiên đầu tư kinh phí cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành. Vụ Hợp tác quốc tế-Bộ Y tế chủ trì triển khai các nhiệm vụ hợp tác quốc tế để huy động và thu hút sự giúp đỡ, hợp tác của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc nhiệm vụ của ngành y tế. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe-Bộ Y tế chủ trì, phối hợ với các đơn vị liên quan và cơ quan thông tin đại chúng thực hiện công tác truyền thông về ứng phó với biến đổi khí hậu trong toàn ngành y tế và cộng đồng.
Sở Y tế các tỉnh/thành phố tham mưu cho ủy ban nhân dân xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu thuộc nhiệm vụ của ngành y tế tại các địa phương. Các bệnh viện, Viện nghiên cứu, Trường đại học và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế triển khai các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật cho đơn vị thuộc địa bàn quản lý thực hiện các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu ngành y tế.
Theo danh mục các dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn và Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng TP. Hồ Chí Minh được hỗ trợ 35.000 triệu đồng thực hiện “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến phân bố gen véc tơ truyền bệnh và tình hình sốt rét ở Việt Nam, đề xuất giải pháp ứng phó”. Trọng tâm dự án do các Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng thực hiện là hồi cứu số liệu về hồi cứu số liệu về khí hậu, phân bố vectơ và tình hình sốt rét qua các giai đoạn tiêu diệt, thanh toán và phòng chống sốt rét ở Việt Nam; điều tra cắt ngang đánh giá thực trạng phân bố vốn gen vectơ và tình hình sốt rét theo 5 vùng dịch tễ sốt rét; phân tích tác động biến đổi khí hậu đến phân bố vốn gen vectơ và tình hình sốt rét; phân tích mẫu vật và số liệu để đánh giá liên quan giữa biến đổi khí hậu với biến đổi vectơ và tình hình sốt rét; thử nghiệm GIS mô hình hoá các ổ sinh thái của các vectơ sốt rét chủ yếu và dự báo khả năng phân bố của vectơ dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đề xuất lựa chọn các giải pháp khắc phục. Kết quả mong đợi của dự án nhằm đánh giá được thực trạng phân bố vốn gen véc tơ và tình hình sốt rét; xây dựng bản đồ phân bố véc tơ theo mô hình ổ sinh thái và thử nghiệm dự báo phân bố véc tơ theo biến đổi khí hậu; đề xuất lựa chọn giải pháp khắc phục; cảnh báo được sự gia tăng lan truyền sốt rét do BĐKH làm tăng vector truyền bệnh chính và chỉ định các biện pháp phòng chống vector phù hợp.
Ngoài các hoạt động chung nêu trên, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn còn được hỗ trợ 5.000 triệu đồng để thực hiện dự án “Xây dựng mô hình theo dõi sự biến đổi các yếu tố thời tiết khí hậu, sinh cảnh liên quan đến các vector truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết tại khu vực miền Trung Tây Nguyên” với mục tiêu xây dựng mô hình lồng ghép hoạt động song song để phòng chống bệnh sốt rét và sốt xuất huyết tại một vùng thí điểm; xác lập mô hình lồng ghép phòng chống 2 bệnh vector truyền và đánh giá mô hình về mặt chí phí - hiệu quả (cost effectiveness). Kết quả mong đợi của dự án nhằm thiết lập được mô hình lồng ghép; dựa trên các hiệu quả đạt được của mô hình, tiếp tục xây dựng các yếu tố bền vững cho mô hình và nhân rộng mô hình tại nhiều vùng tại Việt Nam.
TS. Triệu Nguyên Trung
(Theo Chương trình ứng phó với BĐKH của Bộ Y tế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét