Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Những khái niệm sơ lược về nguồn gốc của âm nhạc

Từ trước tới nay, đã không ít lần khi được hỏi tới “Âm nhạc là gì?” thì nhiều người trong chúng ta thường tỏ ra lúng túng, hay chỉ trả lời một cách rập khuôn theo sách vở: “âm nhạc là một môn nghệ thật của âm thanh...” hoặc nghĩ đơn giản hơn “âm nhạc là đàn ca hát xướng”... Thiết nghĩ, để có thể hiểu tường tận “âm nhạc là gì?”, chúng ta nên tìm hiểu những khái niệm sơ lược về nguồn gốc âm nhạc.
Trước hết, hãy thử tách riêng hai từ “Âm” và “Nhạc”, có thể thấy rằng: “Âm” là âm thanh có trong thiên nhiên; còn “Nhạc” là loại âm mang tính nhạc bởi có tần số rung mà vật lý học đã xác định. Tần số rung của âm càng nhanh thì mức độ âm thanh mang tính nhạc càng cao; tần số rung của âm càng chậm thì mức độ âm thanh mang tính nhạc càng trầm. Điều đó dẫn tới sự khác biệt giữa âm thanh mang tính nhạc và tiếng động.
“Âm nhạc học” là một trong những bộ môn nghệ thuật lâu đời nhất. Cơ sở của nó được bắt nguồn từ phương Đông cổ đại. Các vấn đề lý luận và thẩm mỹ âm nhạc được nghiên cứu trong mối liên hệ chặt chẽ giữa các môn toán học, vật lý, thiên văn học và triết học...
So với các bộ môn nghệ thuật khác, việc tìm ra nguồn gốc của âm nhạc gặp nhiều khó khăn nhất. Chúng ta chỉ có thể căn cứ vào các di tích khảo cổ để chứng minh cho một nền văn minh hay một trung tâm văn hóa nào đó. Thí dụ, nhiều nhà nghiên cứu về mỹ thuật đã tìm những bức tranh được khắc trong hang đá để tìm hiểu về các thế hệ tiền bối của mình; những nét chữ trên các bia đá cho ta biết được tư tưởng của người xưa; cũng như nhờ vào chữ viết mà người đời nay được thưởng thức những kiệt tác thi ca và nhiều tác phẩm bất hủ của các nhà thơ, nhà văn của hàng ngàn năm về trước.
Còn lối viết nhạc thì chỉ mới xuất hiện cách đây gần một ngàn năm, sau bao lần cải tiến. Lối viết nhạc của người xưa mới có thể giúp ta biết được những ký hiệu về độ cao và độ dài của âm thanh. Chính vì lối viết nhạc cổ xưa đã xuất hiện và được phổ biến khoảng một nghìn năm trở lại đây còn phương tiện “máy ghi âm” thì chỉ mới xuất hiện cách nay vài chục năm mà chúng ta có quá ít tư liệu để có thể tìm hiểu sâu về sinh hoạt âm nhạc của tổ tiên. Tuy nhiên, cũng nhờ vào những di vật khảo cổ về điêu khắc, hội họa... ta có thể biết được hình dáng của các nhạc cụ thô sơ thời xa xưa và từ đó, có thể phỏng đoán ra cách diễn tấu của chúng: qua các tác phẩm thơ văn cổ, ta có thể biết lời các bài ca, lề lối sinh hoạt và vai trò của âm nhạc trong xã hội thời bấy giờ. Đó cũng là một trong những phương pháp tìm hiểu về nguồn gốc của nghệ thuật âm nhạc mà nhiều nhà nghiên cứu đã làm.
Sau khi tham khảo và chọn lọc các luận điểm của nhiều nhà nghiên cứu-lý luận thuộc các ngành nghệ thuật khác nhau, ta có thể hiểu sơ lược về nguồn gốc của âm nhạc như sau:
1- Từ thời xa xưa, người cổ sơ hay tụ tập với nhau để nghe những câu chuyện về đời sống, kinh nghiệm lao động... Ai có nhiều câu chuyện và biết cách kể chuyện hấp dẫn thì sẽ thu hút được nhiều người nghe. Người kể chuyện phải nói to, nói vang và biết dùng âm điệu trầm bổng để câu chuyện hấp dẫn, đây cũng là yếu tố tạo nên mối liên quan giữa âm điệu của tiếng nói và âm hưởng dân ca của một địa phương về sau này.
2- Cùng với âm điệu của tiếng nói, âm nhạc còn bắt nguồn từ nhịp sống lao động của con người, mà chủ yếu là lao động tập thể. Ban đầu chỉ là những tiếng “hò dô” để thống nhất động tác làm việc của nhiều người; dần dần, thông qua nhịp điệu của tiếng “hò dô” ấy, người ta hát lên những lời động viên hoặc than thở với nhau...
3- Nhịp điệu sinh lý của con người: hơi thở, tiếng đập của nhịp tim, động tác đi và chạy... cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành nghệ thuật âm nhạc, nhất là khi loại nhịp sinh lý đó được biểu hiện qua các động tác nhảy múa. Hiện tượng này nói lên sự liên quan mật thiết giữa hai bộ môn nghệ thuật âm nhạc và Múa.
4- Trong các nghi lễ tôn giáo, ma thuật cũng là những yếu tố quan trọng cho sự hình thành nghệ thuật âm nhạc.
5- Ngoài ra, trong lao động sản xuất, để thể hiện âm nhạc, con người không chỉ dùng giọng hát mà còn biết chế ra nhiều loại nhạc cụ khác nhau:
Ban đầu chỉ là những nhạc cụ bằng đá, bằng những khúc xương được gõ để giữ nhịp (có thể nói đây gần như là sự khởi đầu của các loại nhạc cụ gõ). Sau đó, người ta bắt đầu biết dùng tới những sợi dây căng ra theo độ chùng, căng, dài và ngắn khác nhau để tạo ra những âm thanh cao thấp, từ đó dần dần hình thành các loại nhạc cụ dây gảy và dây kéo.
Sự phát hiện ra tiếng gió thổi vào thân cây rỗng có kích thước khác nhau tạo ra những âm thanh vi vu, trầm bổng đã giúp cho người ta chế ra các loại kèn hơi. Lúc đầu chỉ là những ống xương và ống sừng của các loại động vật, lau sậy, sau đến tre nứa được khoét nhiều lỗ để có thể tạo ra nhiều âm thanh cao thấp theo ý muốn.
Dựa trên sự phân tích của lịch sử nói chung, quá trình phát triển của lịch sử âm nhạc nói riêng thì âm nhạc thời nguyên thủy được coi là nguồn gốc của âm nhạc hay còn gọi là “âm nhạc sơ khai” hoặc “âm nhạc nguyên thủy”.
Âm nhạc nguyên thủy phục vụ cho cuộc sống của xã hội và mọi sinh hoạt của cộng đồng thời bấy giờ. Lúc đó, chưa thể có âm nhạc chuyên nghiệp mà chỉ có âm nhạc tự biên tự diễn, mang tính tự phát từ các sinh hoạt của cộng đồng, gắn chặt với lao động sản xuất, nhảy múa tập thể và ca hát còn gắn liền trong các hoạt động cúng tế thần linh... âm nhạc thời kỳ này chưa thể tách ra thành một loại hình nghệ thuật độc lập.
Để trở thành một môn nghệ thuật độc lập với nhiều đặc tính và đặc thù riêng, âm nhạc cũng phải tuân theo một qui luật hình thành và phát triển của lịch sử phát triển loài người. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm về âm nhạc ở những bài viết tiếp theo...

Ths. Hoàng Điệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét