Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Người thầy có sáng kiến “độc chiêu”


TT - Khác hẳn hình dung của tôi, thầy còn khá trẻ, thân thiện và rất hay cười. Nhìn thầy ít ai nghĩ thầy đã từng thức trắng đêm mày mò nghĩ ra cách mài ngòi bút để học sinh (HS) viết chữ đẹp hơn.
Đã bảy năm rồi, năm nào thầy cũng bỏ công sức cần mẫn mài từng ngòi bút cho hơn 500 HS Trường tiểu học An Phú 1, huyện Củ Chi, TP.HCM vào đầu mỗi năm học.
Một tiết học “thực tế” do thầy Nguyễn Quang Vinh giảng dạy - Ảnh: H.HG.
 “Mấy năm gần đây lớp thầy Nguyễn Quang Vinh phụ trách luôn đạt trên 90% HS viết chữ đẹp. Bản thân thầy cũng từng đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên viết chữ đẹp cấp huyện” - ông Nguyễn Văn Bồng, hiệu trưởng Trường tiểu học An Phú 1, cho biết.
Xem tập của học sinh, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy các em đều viết chữ rất đẹp và rõ ràng. Ngay cả những học sinh nam hiếu động, nghịch ngợm cũng có nét chữ mềm mại, tròn trịa đến không ngờ. Giáo viên Nguyễn Quang Vinh cười rất tươi: “Người xưa có câu “Nét chữ là nết người” mà. Mình theo dõi thấy nhiều học sinh tính tình nóng nảy, bồng bột nhưng khi chịu rèn chữ và viết được chữ đẹp thì điềm đạm hẳn”.
Có công mài viết thì nên
Thầy Vinh kể: “Bắt đầu từ năm 2002, khi ban giám hiệu Trường An Phú 1 kêu gọi giáo viên hãy chú trọng nhiều hơn đến chữ viết của mình và rèn chữ cho học sinh, tôi để ý thấy đa số học sinh đều dùng bút máy - ngòi bút máy thì không có được những tính năng như ngòi bút lá tre (có tác dụng làm nét chữ mềm mại, nét thanh, nét đậm rõ ràng - PV). Mà thời bây giờ tìm đâu ra ngòi bút lá tre như ngày xưa”.
Suy nghĩ rồi thầy nảy ra ý định lấy ngòi bút máy mài với đá mài dao. Một cái - gãy, hai cái - gãy... đến khi số ngòi bị gãy không đếm được nữa thì... thành công: “Tôi đem viết thử thấy chữ đẹp hơn hẳn, có điều ngòi bút đã được mài rất giòn nên dễ bị gãy và phải có thao tác viết đúng cách mới không bị sa mực nhiều”.
Từ đó đến nay, “Cứ vào đầu mỗi năm học thầy Vinh lại nhận trách nhiệm mài ngòi bút cho hơn 500 học sinh của trường. Trong số đó, em nào thấy khó khăn trong khi viết có thể gặp trực tiếp thầy để được hướng dẫn - ông Nguyễn Văn Bồng thông tin - Cũng nhờ sáng kiến này cộng với sự đồng lòng của tất cả giáo viên trong công tác rèn chữ mà An Phú 1 trở thành ngôi trường tiêu biểu của TP.HCM với hơn 70% học sinh viết chữ đẹp đạt loại A”.
Những tiết học thực tế
Tiết học toán của HS lớp 5A do thầy Vinh giảng dạy bắt đầu bằng câu hỏi: “Bữa trước lớp chúng ta đã học cách tính diện tích hình vuông, hình chữ nhật, hình bình hành... Nếu ở nhà ba mẹ các em muốn tính số gạch để lát cho cái sân nhà mình thì các em có giúp ba mẹ được không?”.
Im lặng! Rồi vài cánh tay giơ lên: “Thưa thầy, muốn tìm số gạch cần lát thì phải tính diện tích cái sân trước, rồi mới tính diện tích viên gạch”, “Sau đó, lấy diện tích cái sân chia cho diện tích viên gạch”. Thầy giáo gật đầu: “Bây giờ cả lớp xuống dưới sân thực hành luôn nhé”.
Sau tiết học, người viết bài này xin phép gặp riêng học sinh. Các em vô tư nhận xét: “Thầy Vinh dạy sinh động và vui tươi”, “Em rất thích cách dạy của thầy Vinh vì thầy luôn hướng dẫn chúng em đem bài học áp dụng vào thực tế”, “Em cũng thấy như vậy đó cô”, “Đúng rồi đó, như mới đây khi dạy bài “Cây cỏ nước Nam” thầy dẫn cả lớp đi xung quanh trường chỉ các cây ba lá, cây mắc cỡ, vú sữa đất, cây tía tô, cây cỏ mực... rồi giải thích công dụng từng loại cây một. Mấy cây này em thấy hoài, chỗ nào cũng có, không ngờ lại là thuốc quý chữa bệnh”.
 “Em thích bài “Sự biến đổi hóa học” nhất, trước khi học thầy dặn về nhà quan sát xem mẹ thắng đường để kho cá thì sẽ như thế nào, đồ đạc trong nhà lúc mới mua ra sao, sau một thời gian có biến đổi không... Khi lên lớp thầy còn cho tụi em làm thí nghiệm lấy nước cốt chanh viết ra giấy, để một hồi khô lấy lửa hơ thế là chữ hiện ra”.
Tôi quay sang thắc mắc với thầy giáo: Cả ngày thầy dạy ở trường, buổi tối còn soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, thời gian đâu để mài ngòi bút cho hàng trăm học sinh? “Thì dậy sớm hơn một chút. Hồi mới làm trong 60 phút chỉ mài được hơn 10 ngòi bút. Bây giờ quen tay rồi, tôi sắm luôn máy mài (thường dùng trong các tiệm sửa xe) 1 phút mài được một ngòi - rất nhanh” - nói rồi thầy Vinh lại cười, nụ cười thật hiền.
Thầy... bảo mẫu
Giờ ra chơi ở lớp 5A - lớp do thầy Vinh làm chủ nhiệm: “Đức ơi! Con lại quên rồi phải không?”. Cậu học sinh đã ra đến cửa lớp vội vàng quay lại chỗ ngồi, xếp tập vở cho gọn gàng và kéo khóa cặp lại.
Ở Trường An Phú 1, giáo viên chủ nhiệm kiêm luôn công tác bảo mẫu vì 100% học sinh học hai buổi/ngày có bán trú. Đến giờ ăn của học sinh, như bao cô giáo khác, thầy Vinh cũng toát mồ hôi với việc chia và tiếp thức ăn cho các em: “Thầy giáo làm bảo mẫu không được “thuận tay” cho lắm nhưng làm riết rồi quen. Vả lại tôi coi các em như con của mình. Tôi biết hết các thói quen, sở thích của từng em lớp 5A này. Học sinh tiểu học cần phải uốn nắn và nhắc nhở thường xuyên. Giờ ăn, tôi biết em nào cần ăn nhiều rau, em nào cần sự động viên của tôi vì nếu không có thầy em đó rất biếng ăn. Ngay cả giờ kiểm tra, ngồi trên bục giảng nhìn xuống lớp, thấy có học sinh mồ hôi tươm ra áo, tôi biết ngay em đang căng thẳng. Tôi cho em ra ngoài uống nước và trấn an tinh thần: Vẫn còn nhiều thời gian, em cứ bình tĩnh làm bài”.

HOÀNG HƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét