Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Hội Lim - Bắc Ninh

Chùa Lim, Bắc Ninh
Hội Lim được tổ chức hàng năm, vào đầu Xuân, 13 tháng Giêng tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Tỉnh Bắc Ninh. Đây là một Truyền thống lâu đời, mang nét Văn hóa thật đặc thù ở miền Bắc. Xứ Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu truyện Cổ, những sự tích Văn hoá. Vì truyền thống này mà nơi đây sở hữu nhiều lễ hội dân gian và dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho Dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Cổng vào hội Lim, Bắc Ninh
Có giả thuyết cho rằng hội Lim có nguồn gốc từ hội Chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim.
Hoàng hôn hội Lim, Bắc Ninh
Hội Lim chính là hội Chùa làng Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương. Hội Lim trở thành hội hàng Tổng vào thế kỷ 18, khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa là Nguyễn Đình Diễn (người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc), có nhiều công lao với triều đình, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ Thuần phong Mỹ tục.
Hội Lim, Bắc Ninh
 Do có nhiều công lao với hàng Tổng và việc ông đặt Hậu ở chùa Hồng Ân, nên khi ông mất nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm Hậu thần, Hậu Phật hàng Tổng. Hiện nay, Văn bia lăng Hồng Vân có tên Hồng Vân từ bi ký, niên đại Cảnh Hưng 30 (1769) vẫn còn giữ ở đình thôn Đình Cả. Hàng năm, việc thờ phụng hậu hàng tổng Nguyễn Đình Diễn được tổ chức trọng đại vào 2 dịp "ngày sinh" và "ngày hóa" của ông tại lăng Hồng Vân và chùa Hồng Ân trên núi Lim. Theo thời gian, hội Lim đã có nhiều lớp văn hóa, trong đó người ta chỉ tổ chức tế lễ hậu thần vào ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim. Chính vì vậy mà có hội Lim và đây là hội hàng Tổng.
Mời Trầu
Bịt mắt bắt dê
Bịt mắt đập niêu
Đánh đu
Sân đấu vật
Hội Lim đi vào Lịch sử và tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, được diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng. Chính hội là ngày 13 tháng giêng, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy...
Hội Lim đã trở thành nổi tiếng, được nhân dân khắp các vùng ca ngợi, truyền tụng:
Ba năm hai cái hội Chùa,
Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai.
Già già, trẻ trẻ, gái trai,
Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem.
Hội Lim ai thấy chẳng thèm,
Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.
Đồn sắp có dệt cửi thi,
Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon.
Quan họ giao duyên
Quan họ cổ
Liền chị quan họ
Liền anh nhí
Về với Hội Lim là về với một trời Âm thanh, Thơ, Nhạc và Trò chơi... náo nức không gian đến xao xuyến lòng người. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm... như ẩn chứa cả sức sống mùa Xuân của con người và tạo vật.
Lễ hội diễn ra khắp các làng xã trong tổng Nội Duệ, trung tâm là núi Hồng Vân, với nghi thức tế lễ rước xách uy nghiêm, hùng tráng và nhiều trò vui, đặc sắc mà hấp dẫn nhất là đánh cờ người, tổ tôm điếm, thi dệt vải, thi làm cỗ và đón bạn, ca hát Quan họ. khi đến dự Hội Lim, khách trảy hội đều muốn xem, nghe và được cặp đôi hát Quan họ với các "Liền anh Liền chị", là một nét đặc trưng cơ bản nhất của lễ Hội này.
Dân ca Quan họ nổi tiếng không chỉ ở lời ca trữ tình, nồng nàn yêu cuộc sống và tình yêu đôi lứa, hay với 200 làn điệu Âm nhạc đặc sắc mà còn do những đặc điểm khác hiếm thấy ở dân ca các vùng khác. Từ lời ăn tiếng nói đến lối ứng xử hàng ngày hay trong ngày hội, "người Quan họ" đều từ tốn, khiêm nhường. Tục kết “chạ” giữa các làng Quan họ hay kết bạn giữa các "bọn" Quan họ đã hình thành nếp sống đạo đức cao quý. Người Quan họ đều là "liền anh", "liền chị" và bao giờ cũng tự xưng là "liền em".
Với người Quan họ, ngày xưa khách đến phải là:
Mấy khi khách đến chơi nhà,
Lấy than, quạt nước tiễn trà người xơi.
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.
Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại: Người ơi, người ở đừng về...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét