Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Tôn ti trong từ ngữ


SGTT.VN - Tôn ti là một phạm trù đặc biệt quan trọng trong tiếng Việt.
Từ tôn ti trong tâm thức...
Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ tư (năm 1976) viết: “Xây dựng Việt Nam thành nước công nông nghiệp hiện đại. Xây dựng các huyện thành những huyện nông công nghiệp hiện đại”. Phải chăng vô tình mà câu trước, câu sau viết theo hai trật tự khác nhau: công nông nghiệp và nông công nghiệp? Hẳn không, vì có cả một đội ngũ những người soạn thảo, nhiều tháng trời săm soi từng câu chữ cho văn kiện Đại hội.
Lại xét trật tự từ trong lời cảm ơn. Năm 1995, sau khi đạt huy chương bạc tại SEA Games 18, đội tuyển bóng đá Việt Nam có thư cảm ơn như sau: “Đội tuyển bóng đá Việt Nam kính gửi lời cảm ơn trong vô vàn xúc động đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các thành uỷ, tỉnh uỷ và UBND ở các địa phương; các đồng chí lãnh đạo ngành thể dục thể thao Việt Nam, liên đoàn Bóng đá Việt Nam, các cán bộ và chiến sĩ ở biên giới và hải đảo; các huấn luyện viên đã không quản khó khăn vất vả, đào tạo những vận động viên ưu tú cung cấp cho đội tuyển quốc gia, các đơn vị, cơ quan xí nghiệp, các nhà doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông đại chúng, tất cả các bác, các cô, các chú, tất cả các anh chị em và toàn thể người hâm mộ bóng đá trong cả nước” (Tuổi Trẻ, 26.12.1995). Cái công thức “cảm ơn” và “kính thưa” của người Việt dài ơi là dài! Có thật là các cầu thủ nghĩ như vậy không? Hay họ chỉ nghĩ tới ông thầy người Đức Karl Heinz Weigang, tới dòng người hâm mộ diễu hành nghẹt đường phố, cờ hoa đón tiếp với những nụ cười và nước mắt sung sướng? Điều này rất rõ ràng, vì khi đội tuyển thất bại, những đối tượng được cảm ơn kia biến mất trong những lời trách cứ, chỉ còn huấn luyện viên trưởng đội tuyển Weigang, Riedl hay Calisto… chịu trận!
... thành tôn ti trong tiếng Việt
Theo giả thuyết Sapir – Whorf (1), quan niệm tôn ti ảnh hưởng tới tất cả các phương diện ngữ pháp và giao tiếp tiếng Việt: trật tự từ trong câu, cấu tạo từ ngữ, xưng hô… Tâm thức người Việt về tôn ti như sau: yếu tố trọng yếu đặt trên, yếu tố thứ yếu đặt dưới. Điều này thành quy tắc trọng – khinh chi phối cách nói năng và cấu tạo từ, trong đó có từ ghép đẳng lập.
Từ ghép tiếng Việt có nhiều loại (2), trong bài này chúng ta chỉ đề cập tới tôn ti trong cấu tạo từ ghép đẳng lập. Trong từ ghép đẳng lập trỏ quan hệ thân tộc hay xã hội, yếu tố nào ở bậc cao hơn là quan trọng hơn nên cần đứng trước. Vì vậy nói ông cháu, chồng con… còn cháu ông, con chồng… không thể là từ ghép đẳng lập; nói các trưởng phó phòng mà không nói các phó trưởng phòng. Dẫu bà và ông, chị và anh cùng vai nhưng do trọng nam khinh nữ nên tiếng trỏ nam giới đứng trước: nói ông bà, anh chị em mà không nói bà ông, chị anh em. (3)
Vì sao nói bàn ghế, giường chiếu, ấm chén, nồi niêu, sách vở, trên dưới… mà không nói theo trật tự ngược lại? Bởi lẽ, nếu các yếu tố trong từ ghép đẳng lập có thể định lượng không gian: yếu tố nào lớn hơn, cao hơn, rộng hơn sẽ quan trọng hơn nên được đặt trước.
Cũng bởi lẽ yếu tố thời gian xuất hiện trước thì quan trọng hơn nên chúng ta nói “sớm muộn quan tham này cũng lộ mặt” chứ không nói “muộn sớm quan tham này cũng lộ mặt”. Nói sớm trưa, chiều tối, chiều hôm, tối khuya… cũng vì lý do tương tự.
Giữa hai yếu tố trái nghĩa, người Việt cảm nhận yếu tố tích cực, dương tính quan trọng hơn. Vậy là sinh ra từ ghép đẳng lập giàu nghèo, sang hèn.
Ở những từ ghép đẳng lập chỉ bộ phận cơ thể con người thì sao? Người Việt cũng có cái lý về tầm quan trọng của tiếng đứng trước: mặt mũi (mặt là thể diện), răng lợi, tóc tai (hàm răng, mái tóc một góc con người), mắt mũi, tay chân (giàu hai con mắt, khó hai bàn tay)…
Lại có hàng loạt từ ghép đẳng lập nhưng yếu tố đứng sau nay đã mờ nghĩa như: đường sá, chợ búa, tre pheo, làng mạc… Các nhà Việt ngữ học đã chứng minh rằng trong những từ trên đây, yếu tố đứng sau là tiếng Việt cổ đồng nghĩa với yếu tố đứng trước: sá là đường, búa là chợ, pheo là tre… Có thể thấy tiếng đứng sau dùng để giải thích tiếng đứng trước.
Trật tự trong những từ ghép đẳng lập suy sụp, sụp đổ, đổ vỡ, bệnh tật, cổ kính, giàu sang… lại do quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố quy định: vì suy nên sụp, do sụp mà đổ, có cổ thì mới kính...

GS.TS Nguyễn Đức Dân

(1) Hai nhà ngôn ngữ học người Mỹ E. Sapir (1884 – 1939) và B. L. Whorf (1879 – 1941) nêu giả thuyết đại để nói rằng ngôn ngữ là chỉ dẫn cho hiện thực xã hội, mỗi ngôn ngữ đồ hoạ lại thực tại thế giới một cách khác nhau. Tức là, những đặc điểm về môi trường sống, về thiên nhiên, về văn hoá (phong tục, tập quán, triết lý…) của một dân tộc được phản ánh vào ngôn ngữ của mình.
 (2) Xem bài “Dư thừa” có dư không?  của cùng tác giả – Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 31.8.2011.
 (3) Nhưng vì sao cũng rất hay nói mẹ cha, vợ chồng? Có ba lý do chứng tỏ rằng cách nói sau vẫn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình: mẹ cha, vợ chồng là dấu vết của xã hội mẫu hệ. Ông cha ta quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phụ nữ là nội tướng trong gia đình. Con cái gần mẹ hơn cha (người Việt coi trọng phạm trù khoảng cách).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét