Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Ca sĩ Mỹ lạnh người trước video bạo lực học đường Việt Nam


"Khi một bạn sinh viên gửi cho tôi đường link với tiêu đề: “Nữ sinh bị đánh hội đồng đến ngất xỉu" mới nhất trên báo VnExpress.net, tôi vô cùng sửng sốt và bất ngờ khi xem clip trên link này", ca sĩ người Mỹ Kyo York chia sẻ.
Đã một vài lần tôi nghe nói về hiện tượng các bạn nữ sinh đánh nhau nhưng tôi không nghĩ là mức độ "dữ dội" đến như vậy. Tiếp tục tìm theo đường link tôi càng thấy khủng khiếp hơn khi hàng trăm clip quay cảnh nữ sinh đánh nhau ngập tràn. Tôi thấy lạnh cả người và rất buồn.
Công việc của tôi hàng ngày tiếp xúc rất nhiều bạn trẻ đặc biệt là học sinh và sinh viên. Trong mắt của một người thầy, một ca sĩ như tôi, hình ảnh các bạn sinh viên lúc nào cũng đẹp và ngây thơ. Bây giờ tôi rất buồn, buồn vì mình không quan tâm điều này sớm hơn dẫu biết rằng cá nhân tôi không phải là người có thể thay đổi được mọi chuyện nhưng tôi thấy mình có chút vô tâm!
Các bạn hãy thử “search” trong Google hoặc Youtube cụm từ “nữ sinh”: một kết quả thật đáng buồn vì những tiêu đề, hình ảnh hiện lên không phải là một nữ sinh đẹp với những chiếc áo dài trắng, hoặc những hình ảnh trong sáng mà tất cả chúng ta rất yêu quý.
Ở đó chỉ toàn những clip và hình ảnh nữ sinh đánh nhau. Tôi cũng không quá giỏi tiếng Việt để đọc hết những bài viết, thông tin và những chia sẻ về đề tài này trong cùng một thời gian. Nhưng trong lúc này tôi rất muốn được chia sẻ nhiều với các bạn trẻ vì họ là những người bạn rất nhiệt tình mà tôi có được ở một đất nước xinh đẹp và nhiều người dễ thương như vậy.
Tôi cũng muốn có cơ hội trò chuyện cùng tất cả mọi người để chúng ta cùng nhau hiểu hơn về những người bạn trẻ. Ở góc độ cá nhân, tôi chia sẻ như chính câu chuyện của bản thân và gia đình mình vì nó không phải là điều gì quá lớn lao.
Chúng ta có thể thấy đa số những clip học sinh đánh nhau đều ở độ tuổi 10 tuổi đến dưới 20 tuổi. Độ tuổi mà tôi được biết rằng đang mới phát triển, rất cần được chia sẻ và cũng rất khó để chia sẻ với với họ.
Tôi sinh ra trong một gia đình không giàu có. Năm 14 tuổi cha mẹ của tôi li dị. Lúc đó tôi đã khóc nhiều và tôi biết mình sẽ khó khăn trong cuộc sống. Tôi rất cô đơn và tuyệt vọng. Tôi không tin vào những điều người lớn nói nữa. Và thực sự thì họ cũng không bao giờ bỏ nhiều thời gian để lắng nghe những điều tôi nói vì cho rằng tôi chỉ là một đứa con nít.
Lúc đó tôi chán nản và chỉ muốn làm những gì tôi thích và không cần chia sẻ hoặc tâm sự với ai. Nhiều lúc tôi thấy mình rất tệ có thể sẽ trở thành một người xấu nhưng may mắn sau đó bố mẹ tôi họ đã đến bên tôi đúng lúc. Dù sau này sống với bố nhưng tôi không thiếu tình cảm của mẹ.
Bố mẹ tôi không căng thẳng nữa họ xem nhau như bạn và đó là cách tốt nhất giúp 3 anh em chúng tôi sống tốt hơn mặc dù bố mẹ không ở cùng nhau. Bạn thấy đấy ý tôi là nếu bố mẹ tôi không quan tâm tôi lúc 14 tuổi, biết đâu tôi sẽ làm những điều dại dột để không được như ngày hôm nay.
Trước khi trách những bạn trẻ, tôi rất mong người lớn rộng lượng xem lại chúng ta.
Tôi hoàn toàn không ủng hộ hành động đánh nhau và quay clip rồi tung lên mạng. Nhưng được biết đa số những nguyên nhân để xảy ra chuyện như vậy thật ra cũng một phần trách nhiệm của người lớn mà ở đó phải kể đến: gia đình, nhà trường và xã hội.
Kyo York (thứ tư từ trái qua) cùng các bạn trẻ Việt Nam.
Gia đình không quan tâm, chia sẻ và dạy các bạn đúng cách đó cũng là một nguyên nhân. Gia đình người Mỹ hoặc người Châu Âu thường đề cao tính tự lập trong mỗi cá nhân nhưng thực chất là họ luôn được quan tâm rất nhiều để phát triển tính tự lập.
Điều này khác với việc chúng ta cho “tính tự lập” của mỗi cá nhân phát triển theo hướng tự do và không quan tâm. Ở Việt Nam Kyo được biết văn hóa giao tiếp trong gia đình rất hay “Truyền thống kính trên nhường dưới” cũng là khuôn phép giúp mỗi cá nhân phát triển tốt.
Nhưng xã hội ngày càng phát triển hiện đại hầu như những gì thuộc về truyền thống thường bỏ quên hoặc phụ thuộc nhiều quá vào truyền thống cũng ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ trong xã hội hiện nay. Phải chăng vì điều này là nguyên nhân dẫn đến các thế hệ trong gia đình mâu thuẫn và không hiểu nhau.
Chính vì vậy dù ở quốc gia nào, người lớn cần phải cặp nhật thông tin về xã hội, công nghệ và giới trẻ… để khi bắt đầu dạy họ, trò chuyện với họ, họ cảm thấy chúng ta rất hiểu họ chứ không phải là áp đặt và khoảng cách. Ý Kyo là người lớn chịu khó quan tâm và đừng quá phán xét, chê bai.
Hãy tạo niềm tin cho họ vì khi bạn trẻ xem gia đình là nơi bình an nhất, nhất định họ sẽ mở lòng chia sẻ nhiều và hiển nhiên họ sẽ sợ làm tổn thương mái ấm “hạnh phúc” mà họ có được. Kyo cũng từng nghĩ như vậy, khi chuẩn bị làm một điều gì đó xấu, người đầu tiên Kyo sợ ảnh hưởng nhất đó là mẹ của Kyo vì nhất định bà sẽ thất vọng về Kyo khi đã dạy Kyo rất nhiều điều hay.
Kế đến chúng ta phải nói đến môi trường giáo dục, người Nhật rất hay trong cách dạy của mình đối với học sinh đặc biệt là về đạo đức và cách cư xử của con người với con người. Họ được học từ bé và có những khuôn mẫu, nhưng không áp đặt.
Khái niệm “người xấu” luôn bị xã hội Nhật lên án. Chính vì vậy tính cộng đồng rất cao là do môi trường giáo dục của họ tốt. Nước Nhật có nhiều khó khăn về thiên tai nhưng thái độ và sự chia sẻ của họ với cuộc sống lúc khó khăn quả thật là tuyệt vời. Chúng ta không thể nói giáo dục nước này tốt, nước kia chưa tốt, mà chúng ta chỉ có quyền rút kinh nghiệm và học hỏi cũng như chia sẻ cùng nhau.
Giáo dục Việt Nam rất hay vì luôn đề cao đạo đức “Tiên học lễ hậu học văn” – giống như trước tiên là “Lễ” sau đó mới nói đến “Văn”. Nhưng nếu chúng ta phát triển hình thức dạy chữ “Lễ” sinh động hơn cho giới trẻ nhất định sẽ hiệu quả hơn.
Khi đến trường đa số các bạn trẻ cứ nghĩ là phải học về kiến thức và luôn bị áp lực nặng nề về kiến thức đã học được tính bằng những điểm số. Ít khi các bạn có trách nhiệm về chữ “lễ” của mình vì nó hoàn toàn không được tính điểm nếu như bạn cư xử tốt hoặc làm một việc tốt.
Qua những vụ việc này, Kyo đã rút kinh nghiệm nhiều hơn về công việc giảng dạy của mình không chỉ chú ý về luyện nghe - nói - đọc - viết tiếng Anh, mà quan tâm nhiều hơn những đề tài rèn luyện về đạo đức như: gia đình, xã hội, tình bạn, tình yêu… qua đó cũng dạy cho Kyo cũng học được thêm về điều này.
Những buổi học ngoại khóa, chia nhóm; những buổi học rèn luyện kỹ năng sống, những chương trình vui chơi mang tính tập thể đoàn kết;… cần được quan tâm nhiều hơn và đặc biệt là những quy định, nội quy của nhà trường luôn được nhắc nhở và phổ biến liên tục đến học sinh và gia đình.
Phải xử lý thích đáng cho những vi phạm. Sự răn đe đó là hình thức giáo dục để giúp các bạn hiểu ra vấn đề chứ không phải là loại bỏ ra ngoài xã hội khi tuổi đời các bạn còn rất nhỏ. Nhà trường cần kết hợp với gia đình, có những trường ở Mỹ khi một học sinh sai phạm nhất định sẽ bị “quản thúc” bằng hệ thống điện tử và không được ra khỏi nhà (trừ đến trường) trong thời gian tùy theo mức độ vi phạm của học sinh đó.
Và hằng ngày họ phải học về giao tiếp cũng như được chia sẻ từ một chuyên gia hoặc giáo viên để thấy những hành vi phạm lỗi của mình không nên lập lại.
Ở Việt Nam chúng ta chưa thể làm như vậy, nhưng Kyo được biết có nhiều trường đã có những hình thức xử phạt rất hay là các bạn phải làm vệ sinh môi trường nếu như phạm những lỗi nhẹ và cho cơ hội để sửa chữa. Chính vì vậy giáo dục có nên thống nhất hình thức xử phạt nào cho “bạo lực học đường” để mang tính răn đe và sửa chữa?
Để làm được điều này thì cần liên kết giữa gia đình và nhà trường rất nhiều, tránh những trường hợp gia đình tiếp tục nuông chiều để các bạn thấy mình luôn ỷ lại khi làm điều sai và cứ như thế không thấy cái sai của mình mà sửa chữa. Nghĩa là có lỗi thì phải xử lý nghiêm khắc ở góc độ dạy và sửa chữa. Nếu trường hợp ảnh hưởng đến tình mạng, sức khỏe trầm trọng thì cần phải có pháp luật.
Ngoài ra, Kyo được biết mỗi trường đều có bảo vệ nhưng hầu như ít ai được trang bị kỹ năng hoặc làm đúng vai trò bảo vệ “an ninh cho trường học”. Chúng ta cần tăng cường lực lượng này cho những giờ ra chơi, những lúc học sinh ra vào trường… quan tâm sâu sát đến những sự việc để đảm bảo sự an toàn trong trường học.
Chuông báo động ở các lớp học nếu có nguy hiểm nào đó xảy ra với học sinh, sinh viên… Bên cạnh đó rất mong có những buổi tọa đàm, đào tạo cho những giảng viên, giáo viên hiểu thêm về những kỹ năng đối phó với những trường hợp này.
Xã hội tác động rất mạnh đến nguyên nhân các bạn “đánh nhau”. Sự lạnh lùng của cuộc sống, và phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin cũng làm các bạn trẻ bị cuốn hút mà họ chính là nạn nhân và không biết hành động mình làm đúng hay sai.
Nếu như hiện tượng post các clip đánh nhau lên mạng để “nổi tiếng” hoặc mọi người biết đến, chứng tỏ “đàn chị” , ganh tỵ về tình yêu, học tập và đơn giản là ghét nhau vì “chảnh”… rất nhiều lý do mà các bạn trẻ nhờ internet hỗ trợ để làm điều đó.
Chính vì vậy chúng ta phải có cách quản lý và quy định về điều khoản này. Hình ảnh một nam sinh lạnh lùng đứng quay clip để các nữ sinh đánh nhau không thể chấp nhận được. Tất cả đều bị xử lý để làm gương. Chúng ta phải cùng có trách nhiệm với cuộc sống và không quá lạnh lùng hoặc vô cảm.
Phải biết đấu tranh với những điều không tốt. Những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi trong cuộc sống nhưng chúng ta thấy cũng ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Có một lần Kyo đi trên đường và một phụ nữ bị té vì đi giày cao gót và nhóm bạn đi cùng với cô ta phía sau cảm thấy rất mắc cười và ai cũng ôm bụng nghiêng ngửa.
Lạ một điều ai cũng đứng cười, trường hợp này đáng lẽ mọi người phải lo lắng và quan tâm bằng cách giúp đỡ cô ta và thăm hỏi trước chứ dù cô ta không bị sao cả. Chúng ta thử nghĩ nhé, nếu một đứa bé thấy hình ảnh đó nhất định em cũng sẽ nghĩ việc một người khác gặp một tai nạn cũng chỉ cười như người lớn mà thôi.
Có thể có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến việc các bạn nữ sinh đánh nhau nhưng khi xem clip nữ sinh đánh nhau, lột đồ, cắt tóc… quả thật kinh khủng dù nguyên nhân nào đi nữa thì hành động này phải lên án.
Xã hội, nhà trường, gia đình quan tâm sâu sắc hơn mọi người đừng vì sự việc này diễn ra “quá nhiều”, “quá quen thuộc” rồi lắc đầu ngán ngẫm bỏ qua như không có chuyện gì. Nếu như vậy,nhất định sẽ còn rất nhiều clip khác xuất hiện với mức độ kinh khủng hơn những clip trước đây nữa.
Trước khi khép lại bài viết này, Kyo chỉ muốn nói tất cả những chia sẻ của Kyo cũng chỉ là gốc độ một cá nhân của một người đang sinh sống làm việc ở Việt Nam hơn 2 năm.
Nhất định Kyo sẽ còn học hỏi và đón nhận nhiều ý kiến và chia sẻ của mọi người nhiều hơn để chúng ta cùng nhau hạn chế những điều không đẹp đó. Kyo quan tâm nhiều đến với các bạn trẻ vì không ít những người bạn trẻ này là học sinh hoặc là người đồng cảm, ủng hộ Kyo rất nhiều.
Chính vì vậy dù thế nào mỗi chúng ta điều có ý thức chia sẻ và quan tâm đến những người bạn trẻ! Hiển nhiên Kyo cũng là một người còn trẻ và cũng mong mọi người quan tâm lại.
Bài viết này mặc dù đã được những người bạn của Kyo chỉnh sửa nhưng nhất định vẫn còn nhiều sơ sót do họ nói không muốn chỉnh sửa “văn phong” của Kyo. Rất mong mọi người hiểu và thông cảm cho Kyo nhé!
Chúng ta hẹn gặp nhau trong một chương trình âm nhạc với chủ đề để kêu gọi “Bạn trẻ nói không với bạo lực học đường” các bạn sẽ tham gia cùng với Kyo nhé!

Kyo York

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét