Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Rèn luyện chính tả

I. KHÁI NIỆM VỀ CHÍNH TẢ VÀ CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT
Chính tả, hiểu một cách đơn giản, là cách viết chữ được coi là chuẩn.
Nói một cách cụ thể, chính tả là hệ thống các quy định về việc viết chữ của một thứ tiếng, được xem là chuẩn mực.
Như vậy, đối với tiếng Anh thì có chính tả tiếng Anh; đối với tiếng Pháp thì có chính tả tiếng Pháp; đối với tiếng Việt thì có chính tả tiếng Việt. Mỗi thứ tiếng có những quy định riêng về chính tả.
Nội dung chính tả tiếng Việt bao gồm một số vấn đề cơ bản sau:
- Cách viết một số từ có nhiều dạng phát âm khác nhau.
- Cách viết tên riêng Việt Nam.
- Cách viết tên cơ quan, tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
- Cách viết tên riêng nước ngoài và thuật ngữ khoa học.
- Cách viết tên tác phẩm, văn bản.
- Cách viết tắt.
- Cách dùng số và chữ biểu thị số.
II. MỘT SỐ QUY ÐỊNH VỀ CHÍNH TẢ
1- Cách viết tên riêng Việt Nam.
Tên riêng Việt Nam bao gồm nhiều loại: tên người, biệt hiệu, bút danh, địa danh. Ðối với tất cả các loại tên riêng này, phải viết hoa tất cả các chữ cái mở đầu của các âm tiết trong tên gọi và giữa các âm tiết không gạch nối.
Ví dụ:
Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Ðồng, Tố Như, Tố Hữu, Hàn Nội, Ðồng Nai, Cần Thơ v.v...
2- Cách viết tên cơ quan, tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Loại tên gọi này, nếu đầy đủ nhất, bao gồm bốn bộ phận:
a) Bộ phận chỉ sự phân cấp về mặt quản lý hành chính của nhà nước. Bộ phận này là một từ đơn âm hay đa âm: viện, ủy ban, sở, nhà máy, xí nghiệp, trường, ban v.v...
b ) Bộ phận chỉ chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, tổ chức. Bộ phận này có thể là một từ hay là một tổ hợp nhiều từ: thương mại, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch v.v...
c) Bộ phận chỉ biệt hiệu của cơ quan, tổ chức: Sao vàng, Chiến thắng, Ánh Bình Minh v.v...
d) Bộ phận chỉ nơi cơ quan trú đóng, phạm vi hoạt động của cơ quan. Bộ phận này bao giờ cũng là địa danh: Hà Nội, Ðồng Nai, Cửu Long, Huế v.v...
Ví dụ:
Nhà máy cao su Sao Vàng Hà Nội.
Xí nghiệp cơ khí Chiến Thắng Cửu Long.
Nếu ở dạng không đầy đủ, loại tên gọi này chỉ có hai, ba bộ phận.
Ví dụ:
Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ quốc phòng, Sở giáo dục và đào tạo tỉnh Cần Thơ, Trường đại học sư phạm Hà Nội, Ðoàn cải lương Ánh Bình Minh v.v...
Ðối với loại tên gọi này, phải viết hoa chữ cái mở đầu của bộ phận (a), bộ (b ) viết thường; bộ phận (c) và (d), nếu có, thì viết hoa theo cách viết hoa tên riêng Việt Nam như đã trình bày.
3- Cách viết tên tác phẩm, văn bản.
Ðối với tên tác phẩm, văn bản, văn bản viết tay, chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của tên gọi và cả tên gọi phải đặt trong ngoặc kép.
Ví dụ:
Người mẹ cầm súng, Tắt đèn, Ðất nước đứng lên, Bến không chồng ...
Trong trường hợp tác phẩm do tên người, địa danh chuyển hóa tạo nên hay có chứa tên riêng, thì các tên riêng phải được viết hoa như quy định đã nêu.
Ví dụ:
Lão Hạc, Chí Phèo, Hòn Ðất, Rừng U Minh, Ðất Viên An ...
4- Cách viết tên riêng nước ngoài.
Tên riêng nước ngoài (tên người, địa danh) du nhập vào tiếng Việt theo nhiều cách, dẫn đến nhiều cách viết khác nhau:
- Viết theo cách phiên âm Hán - Việt: Mạc Tư Khoa, Luân Ðôn, Hoa Thịnh Ðốn, Ba Lan, Anh, Ðức, Pháp, Nã Phá Luân, Mạnh Ðức Tư Cưu, Mã Khắc Tư ...
- Viết theo dạng nguyên ngữ hay chuyển tự sang mẫu chữ La Tinh: Victor Hugo, Shakespeare, Napoléon, New York, Paris, London, Washington, Maxim Gorky ...
- Phiên âm trực tiếp theo cách ghi âm tiếng Việt: Xêch-xpia, Vich-to-Huy-gô, Niu-oóc, Mê-hi-cô ...
Tình hình đó dẫn đến sự phức tạp, thiếu thống nhất trên sách báo hiện nay.
Theo quy định, có ba cách viết tên riêng nước ngoài:
a) Nếu chữ viết trong nguyên ngữ theo hệ chữ cái La Tinh, thì viết nguyên dạng.
Ví dụ:
New York, Paris, London, Washington, Victor Hugo, Shakespeare...
b ) Nếu chữ viết trong nguyên ngữ không theo hệ La Tinh (như tiếng Nga, tiếng Thái, Ả Rập ...) thì viết theo hình thức La Tinh hóa chính thức.
Ví dụ:
Moskva, Maxim Gorky, Lev Tolstoy, Lomonozov, Majakoski ...
c) Một số địa danh và tên người nước ngoài được viết theo cách đọc Hán - Việt quen thuộc, đã dùng quen thì viết theo hình thức quen dùng này, không phiên âm trực tiếp hay viết nguyên dạng.
Ví dụ:
Anh, Nga, Pháp, Ðức, Ba Lan, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Thuỵ Sĩ, Thụy Ðiển, Thái Lan, Thích Ca, Liễu Thăng, Mao Trạch Ðông ...
5- Cách viết tắt.
Hiện nay, trên sách báo, có hai cách viết tắt: viết tắt theo từ và viết tắt theo âm tiết.
Viết tắt theo từ là cách viết giữ lại chữ cái đầu tiên trong âm tiết thứ nhất của mỗi từ, các chữ cái còn lại bị lược bỏ.
Ví dụ:
Kiểm tra chất lượng sản phẩm ( KCS).
Cách viết tắt này lược bỏ nhiều chữ cái, khó phục hồi nguyên dạng khi đọc, nên không phổ biến.
Viết tắt theo âm tiết là cách viết giữ lại chữ cái thứ nhất của mỗi âm tiết, các chữ cái còn lại bị lược bỏ.
Ví dụ:
ủy ban nhân dân (UBND); hội đồng nhân dân ( HÐND); đại học sư phạm ( ÐHSP) v.v...
Ðây là cách viết tắt phổ biến hiện nay.
Khi viết tắt, cần lưu ý mấy điểm:
a) Phải dùng mẫu chữ in hoa, trừ chữ cái viết phụ.
Ví dụ:
TT (Tổng thống), Ttg (Thủ tướng), TBT (Tổng bí thư).
b ) Sau chữ cái viết tắt không dùng dấu chấm, trừ trường hợp chữ viết tắt chỉ có một chữ cái hay chữ viết tắt họ tên người.
Ví dụ:
Ô. (Ông); Q. (Quyền); P. (Phó); N.C (Nam Cao); H.C.M (****); M. Gorky.
c) Khi tên gọi xuất hiện lần đầu trong văn bản thì không được viết tắt, mà phải viết dạng đầy đủ và ghi chú chữ viết tắt trong ngoặc đơn. Từ lần xuất hiện thứ hai trở đi, ta mới viết tắt.
III. KHÁI NIỆM VỀ LỖI CHÍNH TẢ VÀ TÌNH HÌNH LỖI CHÍNH TẢ TRONG BÀI VIẾT CỦA HỌC SINH
Lỗi chính tả là lỗi viết chữ sai chuẩn chính tả. Lỗi chính tả bao gồm hiện tượng vi phạm các quy định chính tả về viết hoa, viết tắt, dùng số và chữ biểu thị số..., và hiện tượng vi phạm diện mạo ngữ âm của từ thể hiện trên chữ viết, tức chữ viết ghi sai từ.
1. Lỗi viết hoa.
Lỗi viết hoa là một trong những loại lỗi chính tả xuất hiện rất nhiều trong bài viết của học sinh.
Lỗi viết hoa bao gồm hai kiểu lỗi nhỏ: viết hoa sai quy định chính tả và viết hoa tùy tiện.
1.1. Viết hoa sai quy định chính tả:
Viết hoa sai quy định chính tả là viết hoa hay không viết hoa theo đúng quy định chính tả về viết hoa. Chẳng hạn như học sinh không viết hoa chữ cái mở đầu bài viết, đoạn văn, không viết hoa sau dấu chấm (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu chấm lửng hết câu (...), hay vi phạm các quy định về cách viết hoa các loại tên riêng.
Ví dụ:
Vũ trọng Phụng, Phan bội Châu, Nam cao, Vũ đại, Tố như, chị út Tịch, hai Thép, ba Rèn, trường trung học phổ thông Lưu văn Liệt, chí Phèo, tác phẩm người mẹ cầm súng, cách mạng tháng 8, cách mạng tháng 10....
Lẽ ra, theo quy định chính tả, học sinh phải viết:
Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu, Nam Cao, Vũ Ðại, Tố Như, chị Út Tịch, Hai Thép, Ba Rèn, Trường trung học phổ thông Lưu Văn Liệt, tác phẩm Chí Phèo, Người mẹ cầm súng, Cách mạng tháng Tám, Cách mạng tháng Mười...
1.2. Viết hoa tùy tiện:
Viết hoa tùy tiện là viết hoa những đơn vị từ vựng bình thường, không nằm trong quy định chính tả về viết hoa.
Ví dụ:
quá trình Giác ngộ lí tưởng Cách mạng của nhà thơ, Chế độ Phong kiến tàn ác, giai cấp Tư sản, cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa, giai cấp Vô sản....
Lỗi viết hoa là loại lỗi chính tả thông thường, dễ tránh, dễ khắc phục, nhưng học sinh THPT vẫn mắc phải. Ðiều đó có nguyên nhân của nó, xét về mặt khách quan lẫn chủ quan.
2. Lỗi viết tắt:
Lỗi viết tắt xuất hiện trong bài viết của học sinh thấp hơn nhiều so với lỗi viết hoa. Tuy nhiên, trong việc rèn luyện chính tả cho học sinh, lỗi viết tắt cũng cần được lưu ý đến.
Thông thường, lỗi viết tắt bao gồm hai kiểu lỗi nhỏ: viết tắt sai quy định chính tả và viết tắt tùy tiện.
2.1. Viết tắt sai quy định chính tả:
Viết tắt sai quy định chính tả là viết tắt không theo đúng quy định chính tả về viết tắt. Chẳng hạn như người viết dùng mẫu chữ thường, dùng dấu chấm hay dấu gạch xéo giữa các chữ cái viết tắt...
Ví dụ: P/V, đ/c, T.P, H.Ð.N.D v.v...
Lẽ ra, theo quy định chính tả, phải viết: PV, ÐC, TP, HÐND (phóng viên, đồng chí, thành phố, hội đồng nhân dân).
Trong bài viết của học sinh mà chúng tôi đã khảo sát, lỗi viết tắt sai quy định chính tả gần như không có. Nguyên nhân là do trong các bài kiểm tra, bài thi, ít xuất hiện các từ ngữ, tên gọi có thể viết tắt theo quy định chính tả. Lỗi này chỉ xuất hiện ở một vài bài, khi học sinh viết tắt tên trường ở góc trái bài viết.
Ví dụ: Trường P.T.T.H.L.X. (Trường trung học phổ thông Long Xuyên), Trường P.T.T.H Lưu Văn Liệt.
2.2. Viết tắt tùy tiện:
Viết tắt tùy tiện là dùng các kí hiệu viết tắt mang tính chất cá nhân vào bài viết chính thức. Ðây là các kí hiệu bằng chữ viết Việt Nam hay chữ viết nước ngoài, được chế biến lại, lẽ ra chỉ được dùng khi ghi chép, nhưng học sinh lại đưa vào bài kiểm tra, bài thi, do đó trở thành lỗi chính tả.
Ví dụ: ( ta (người ta), ( vật (nhân vật), ( (nhấn), ( (nhận), ( (sau), ((trước), ( (trên), ( (dưới), ( (trong), of (của), on (trên), ...... (những), ...... (nhưng), fê fán (phê phán), ffáp (phương pháp), tình thg (tình thương), fg tiện (phương tiện), ndung (nội dung), t2 (tư tưởng), hthức (hình thức), chnghĩa (chủ nghĩa), chthắng (chiến thắng), xlc (xâm lược) v.v...
Hiện tượng viết tắt tùy tiện rất dễ khắc phục, nếu như học sinh có ý thức tránh loại lỗi chính tả này khi làm bài thi, kiểm tra.
3. Lỗi dùng số và chữ biểu thị số:
Kiểu lỗi chính tả này có hai biểu hiện chính: lẫn lộn giữa hai loại số và lẫn lộn giữa số với chữ biểu thị số.
3.1. Lẫn lộn hai loại số:
Trong bài viết, có những trường hợp học sinh phải biểu đạt bằng số, chẳng hạn như khi đề cập đến ngày, tháng, năm, thế kỉ... Theo quy định chính tả, tùy trường hợp mà dùng số Á Rập, còn gọi là số thường (1,2,3...), hay số La Mã (I, II, III...). Do không nắm được quy định chính tả, nên học sinh thường sử dụng lẫn lộn hai loại số.
Ví dụ: Thế kỉ 20, Ðại hội Ðảng lần thứ 6.
Lẽ ra, theo quy định chính tả, phải viết bằng số La Mã những trường hợp này mới đúng.
3.2. Lẫn lộn số và chữ biểu thị số:
Bên cạnh một số trường hợp phải viết số, theo quy định chính tả, có khá nhiều trường hợp phải viết bằng chữ, khi biểu thị số chỉ số lượng, số chỉ thứ tự, số chỉ số lượng phỏng chừng v.v... Do không nắm rõ quy định chính tả và do viết theo thói quen, học sinh dễ lẫn lộn giữa số và chữ biểu thị số trong rất nhiều trường hợp.
Ví dụ:
Ngày ba, tháng hai, năm một ngàn chín trăm ba mươi; 1 đám tang; 3 đứa con thơ dại ; 1 cuộc sống ; đẹp I , lần gặp gỡ thứ 2 ; vài 3 người bạn...
Theo quy định chính tả, phải viết:
Ngày 3, tháng 2, năm 1930 ; một đám tang ; ba đứa con thơ dại ; một cuộc sống ; đẹp nhất ; lần gặp gỡ thứ hai, vài ba người bạn...
So với hiện tượng lẫn lộn hai loại số, hiện tượng lẫn lộn số và chữ biểu thị số xuất hiện trong bài viết của học sinh nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai loại lỗi sai này cũng dễ tránh, nếu như học sinh nắm được quy định chính tả về việc dùng số và chữ biểu thị số.
4. Lỗi chính tả âm vị:
Lỗi chính tả âm vị là hiện tượng vi phạm diện mạo ngữ âm của từ thể hiện trên chữ viết. Nói đơn giản hơn, đó là hiện tượng chữ viết ghi sai từ.
Dựa vào cấu trúc của âm tiết tiếng Việt, có thể chia lỗi chính tả âm vị thành hai kiểu nhỏ: lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính và lỗi chính tả âm vị đoạn tính.
4.1. Lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính:
Âm vị siêu đoạn tính là loại âm vị không được định vị trên tuyến thời gian khi phát âm, mà được thể hiện lồng vào các âm vị đoạn tính. Trong âm tiết tiếng Việt, thanh điệu là âm vị siêu đoạn tính. Lỗi chính tả âm vị siêu đoạn tính là hiện tượng chữ viết ghi sai thanh điệu của âm tiết.
Tiếng Việt có tất cả sáu thanh điệu, được ghi bằng năm dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng), thanh ngang không có dấu thanh. Hiện tượng ghi sai thanh điệu chỉ xảy ra ở hai thanh hỏi, ngã. Trong bài viết của học sinh phổ thông và đại học mà chúng tôi đã khảo sát, kiểu lỗi sai này xuất hiện khá nhiều. Hầu như bài nào cũng có lỗi hỏi, ngã. Thậm chí, chép đề cũng sai hỏi, ngã. Dưới đây là những từ sai hỏi, ngã trong bốn trang viết của một học sinh lớp 11:
Lảng mạng, nỗi bật, (khác) hẵn, vội vả, chán nãn, diển đạt, diển tả, giục giả, giử (lại), gỏ (cửa), dẩn (tới), ngắn nguỗi, hởi, nổi niềm, lửng thửng, phủ phàng, rực rở, dỏng dạc, đẹp đẻ, phẫm chất, nuôi dưởng, mảnh liệt, tội lổi, mâu thuẩn.
Chưa kể các lỗi chính tả khác, chỉ tính lỗi hỏi, ngã, bài viết này đã có 26 lỗi.
4.2. Lỗi chính tả âm vị đoạn tính:
Âm vị đoạn tính là các âm vị được phân bố nối tiếp nhau trên tuyến thời gian khi phát âm. Trong âm tiết tiếng Việt, âm vị đoạn tính gồm có phụ âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối / bán âm cuối. Lỗi chính tả âm vị đoạn tính là hiện tượng chữ viết ghi sai các âm vị vừa nêu. Cụ thể là:
a) Ghi sai phụ âm đầu:
Hiện tượng ghi sai phụ âm đầu trong bài viết của học sinh thường thể hiện ở sự lẫn lộn các chữ cái hay các tổ hợp chữ cái ghi phụ âm đầu sau đây:
- ch / tr: chung thành, trà đạp, chống chả, từng chải, chăng chối, chủ chương, chông đợi, chầy chật, xáo chộn...
- s / x: sương máu, xum họp, sâu sa, đi xứ, đổi sử... xúc vật, xúc tích, xi mê, sống xót, xỉ nhục...
- v /d: dĩa hè, dâng lệnh, dang dội, vùng vậy, dùi dập, dĩ dãng, dỗ dề...
- gi / d: thúc dục, dan dối, dành lại, giả man, để giành, dèm pha, che dấu, dòn dã, gia chạm, vấn thân, bởi gì.
- g (gh) / r: ranh tị, hàn rắn , gàn buộc, đói ghét, gắn gỏi...
- h /q: huênh quang, quang vắng , quyển quặc, quyền bí, quà quyện, quyên náo...
b ) Ghi sai âm đệm:
Trong âm tiết tiếng Việt, âm đệm /-u-/ phân bố sau phụ âm đầu, được ghi bằng hai chữ cái u và o, tùy trường hợp. Trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm đệm thường có biểu hiện thiếu chữ cái ghi âm đệm.

Ví dụ: lẩn quẩn, lạn đả, lanh quanh, lay hoay, lằng ngoằng, lắt chắt, ngó ngáy, ngọ ngậy v.v...
c) Ghi sai âm chính:
Trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm chính thường có hai biểu hiện chính:
Thứ nhất là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi nguyên âm đơn, cụ thể là giữa:
- ă / â: câm phẫn, che lắp, tái lặp, trùng lập, tối tâm, xăm lăng, hâm hở, đầm thấm, e ắp, hắp tắp v.v....
- o / ô/ ơ: bốc lột, tận góc, mưa mốc, chốp bu, chốp lấy, hồi hợp, đớp chát, họp nhất, bộp tai v.v...
Thứ hai là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi nguyên âm đơn với các chữ cái ghi nguyên âm đôi, nhất là giữa:
- ê / i / iê: điều đặn, điu đứng, điểu cáng, kiềm kẹp, chiệu đựng, hiêu quạnh, nâng niêu, tìm ẩn, thất thiểu v.v...
- u / uô: tuổi thân, muổi lòng, đen đuổi, theo đui, hất huổi, xuôi khiến, xui tay v.v...
- ư / ươ: chưởi mắng, cữi cổ, tức tửi, rác rửi, sửi ấm v.v...
d) Ghi sai âm cuối / bán âm cuối:
Hiện tượng ghi sai âm cuối trong bài viết của học sinh thường có hai biểu hiện chính:
Thứ nhất là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi phụ âm cuối, cụ thể là lẫn lộn giữa:
- c /t: biền biệc, buộc miệng, chất phát, heo húc, lẩn lúc, lũ lược, mất mác, man mát, mua chuột, phó mặt, phúc chốc, tấc bậc, tiếc hạnh v.v...
- n / ng: dun túng, hiên ngan, hoang hỉ, lãng mạng, làm lụn, phản phất, rung sợ, rung rẩy, sản khóai, tang hoang, vung trồng, vụn về ...
Thứ hai là lẫn lộn giữa các chữ cái ghi bán âm cuối, cụ thể là giữa:
- o /u: báo vật, cao có, lao lách, láo lỉnh, mếu máu, trao chuốt, trao dồi v.v....
- i /y: ái nái, đai nghiến, đài đọa, lai động, mai mắn, mỉa may, phơi bài, tai chân, sai mê, van lại ...
Giữa bốn kiểu lỗi chính tả âm vị đoạn tính, trong bài viết của học sinh, hiện tượng ghi sai âm cuối xuất hiện nhiều hơn. Kế đến là ghi sai âm chính và ghi sai phụ âm đầu. Lỗi ghi sai âm đệm xuất hiện ít nhất.
IV. MẸO VIẾT ÐÚNG DẤU HỎI, DẤU NGÃ
Ðể viết đúng chính tả nói chung và viết đúng dấu hỏi, dấu ngã nói riêng, bên cạnh biện pháp rèn luyện âm chuẩn và nhớ mặt chữ của từ dựa vào nghĩa của chúng, chúng ta còn có thể vận dụng một số mẹo luật, tức là các quy tắc mà dựa vào đó, có thể suy ra dấu hỏi, dấu ngã một cách chính xác.
Dưới đây là một số mẹo cụ thể.
1- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ láy.
1. 1- Khái niệm về từ láy và các kiểu từ láy.
Từ láy là từ có hai hay trên hai âm tiết (tiếng), có cấu tạo ngữ âm lặp lại nguyên âm tiết hay một bộ phận của âm tiết, trong đó ít nhất một âm tiết không có nghĩa chân thực xác định.
Dựa vào mối quan hệ qua lại về mặt ngữ âm giữa các âm tiết, từ láy được chia thành hai kiểu: từ láy nguyên và từ láy bộ phận.
Từ láy nguyên là kiểu từ láy có các âm tiết giống nhau hoàn toàn hay có biến đổi chút ít về mặt thanh điệu theo quy luật hài thanh, tức quy luật hài hoà về thanh điệu.
Ví dụ:
Ba ba, chuồn chuồn, nao nao, nhao nhao, ngà ngà, đo đỏ, tim tím, bươm bướm, châu chấu, ngay ngáy, phinh phính v.v...
Từ láy bộ phận là kiểu từ láy có các âm tiết hoặc là lặp lại phụ âm đầu, hoặc là lặp lại vần.
Ví dụ:
Dễ dãi, dễ dàng, đẹp đẽ, khoẻ khoắn, lạnh lẽo, nhỏ nhắn, vui vẻ, bủn rủn, lảm nhảm, lẩm cẩm, lủng củng v.v...
Về mặt thanh điệu, các âm tiết trong từ láy chịu sự chi phối của luật hài thanh như bảng tóm tắt dưới đây:
Bậc cao: ngang - sắc - hỏi
Bậc thấp: huyền - nặng - ngã
Nói cụ thể hơn, các âm tiết trong từ láy hoặc là cùng có một thanh điệu, hoặc là cùng thuộc một bậc thanh, trừ một ít ngoại lệ.
1.2- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ láy.
Từ luật hài thanh nêu trên, chúng ta rút ra được các mẹo luật cụ thể như sau:
1.2.1- Mẹo 1: ở bậc cao.
a- Âm tiết có thanh ngang đi với âm tiết có thanh hỏi.
Ví dụ:
Bảnh bao, bỏ bê, da dẻ, dai dẳng, dư dả, đon đả, gây gổ, hả hê, hở hang, lẻ loi, leo lẻo, mỏng manh, mở mang, nể nang, nham nhở, nhỏ nhoi, thong thả, thơ thẩn, rủ rê, sa sả, vui vẻ, xây xẩm v.v...
Ngoại lệ: Âm tiết có thanh ngang đi với âm tiết có thanh ngã:
Khe khẽ, lam lũ, ngoan ngoãn, nông nỗi (danh từ), se sẽ (âm thanh), trơ trẽn, ve vãn.
b- Âm tiết có thanh sắc đi với âm tiết có thanh hỏi.
Ví dụ:
Bé bỏng, bóng bẩy, bướng bỉnh, cáu kỉnh, cứng cỏi, gởi gắm, gắng gỏi, gắt gỏng, khấp khởi, kháu khỉnh, hắt hủi, hóm hỉnh, hiểm hóc, hớn hở, lắt lẻo, lấp lửng, láu lỉnh, lém lỉnh, mát mẻ, mới mẻ, nhắc nhở, nức nở, nhảm nhí, phấp phỏng, rải rác, rẻ rúng, rác rưởi, tấp tểnh, tỉnh táo, thẳng thắn, thẳng thớm, thảm thiết, trắng trẻo, trống trải, vất vưởng, vớ vẩn, vắng vẻ, xấp xỉ, xó xỉnh, xối xả, v.v...
1.2.2- Mẹo 2: ở bạc thấp.
a- Âm tiết có thanh huyền đi với âm tiết có thanh ngã
Ví dụ: Bão bùng, bẽ bàng, buồn bã, còm cõi, chồm chỗm, dễ dàng, đẫy đà, hãi hùng, hỗn hào, hững hờ, kĩ càng, lỡ làng, lững lờ, mùi mẽ, mỡ màng, não nề, não nùng, ngỡ ngàng, phè phỡn, phũ phàng, rành rẽ, rõ ràng, rầu rĩ, rền rĩ, rũ rượi, sàm sỡ, sỗ sàng, sững sờ, sừng sững, tầm tã, tẽn tò, trễ tràng, tròn trĩnh, vững vàng, vỗ về, vờ vĩnh, vòi vĩnh, vẽ vời, xoàng xĩnh v.v...
Ngoại lệ: Âm tiết có thanh huyền đi với âm tiết có thanh hỏi:
Bền bỉ, chàng hảng, chồm hổm, chèo bẻo, mình mẩy, niềm nở, phỉnh phờ, sừng sỏ.
b- Âm tiết có thanh nặng đi với âm tiết có thanh ngã.
Ví dụ:
Bụ bẫm, chễm chệ, chững chạc, chặt chẽ, chập chững, dạn dĩ, doạ dẫm, dựa dẫm, đẹp đẽ, đĩnh đạc, gạ gẫm, gãy gọn, gỡ gạc, gặp gỡ, gần gũi, giãy giụa, giặc giã, gọn ghẽ, hợm hĩnh, khập khiễng, lạnh lẽo, lặng lẽ, lạc lõng, lọc lõi, não nuột, nhạt nhẽo, nhễ nhại, nhẵn nhụi, ngặt nghẽo, nghễu nghện, ngỗ ngược, õng ẹo, quạnh quẽ, rộn rã, rộng rãi, rũ rượi, sạch sẽ, thưỡn thẹo, vạm vỡ, vặt vãnh, vội vã v.v...
Ngoại lệ: Âm tiết có thanh nặng đi với thanh hỏi:
gọn lỏn, nhỏ nhặt, trọi lỏi, vỏn (vẻn) vẹn, xảnh xẹ.
1.2.3- Mẹo 3: ở cả hai bậc thanh.
Khi hai âm tiết của từ láy bộ phận lặp lại vần hay lặp lại phụ âm đầu kết hợp với sự hài âm giữa các âm chính trong vần thì cả hai âm tiết cùng có thanh hỏi hay thanh ngã.
Ví dụ:
Lã chã, lả tả, lải nhải, lảng vảng, lẩm bẩm, lẩn thẩn, lẩy bẩy, lẽo đẽo, lõm bõm, lõng bõng, lỗ chỗ, lổm ngổm, lởm chởm, lởn vởn, lủng củng, lững thững, lảo đảo, tẩn mẩn, tủn mủn, xởi lởi, cũ kĩ, đủng đỉnh, hể hả, hổn hển, khủng khỉnh, lỏng lẻo, mủm mỉm, nhõng nhẽo, nhỏ nhẻ, tủm tỉm, thủng thỉnh, v.v...
1.3- Phân biệt từ láy với từ ghép có sự lặp lại về mặt ngữ âm giữa các âm tiết một cách ngẫu nhiên.
Về mặt ngữ nghĩa, từ láy chính danh bao giờ cũng có ít nhất một âm tiết không có nghĩa rõ ràng, xác định.
Ví dụ:
Bé bỏng, bóng bẩy, gắt gỏng, mát mẻ, trắng trẻo, đủng đỉnh, lẩm cẩm, vớ vẩn, vu vơ, bẽn lẽn v.v...
Ðó chính là cơ sở quan trọng giúp ta phân biệt từ láy với từ ghép có sự lặp lại về mặt ngữ âm giữa các âm tiết một cách ngẫu nhiên.
Ví dụ:
Lí lẽ, lú lẫn, mồ mả, mỏi mệt, hỏi han, giữ gìn, nghỉ ngơi, sửa chữa, dở lỡ, nhỏ nhẹ, sửa soạn, giãy nảy, nhểu nhão, kiêng cữ, ủ rũ v.v...
Ðối với những trường hợp vừa nêu, chúng ta không được vận dụng các mẹo để suy ra dấu hỏi, dấu ngã.
2- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ đơn.
Ðối với một số từ đơn âm, chúng ta cũng có thể dựa trên luật hài thanh đã trình bày để rút ra mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã.
2.1- Mẹo 1: ngang, sắc - hỏi.
Giữa các từ đơn âm đồng nghĩa hay gần nghĩa, nếu một từ có thanh sắc hay thanh ngang (không dấu) thì từ còn lại có thanh hỏi.
Ví dụ:
Can - cản (ngăn); chăng - chẳng, chả (ý phủ định); chưa - chửa (phủ định); khan - khản (giọng nói); quăng - quẳng; tan - tản; tua - tủa; vênh - vểnh; há - hả, hở, hẻ; lén - lẻn; rắc - rải; tốn - tổn; thóang - thoảng v.v...
2.2- Mẹo 2: huyền, nặng - ngã.
Giữa các từ đơn âm đồng nghĩa hay gần nghĩa, nếu một từ có thanh huyền hay thanh nặng thì từ còn lại có thanh ngã.
Ví dụ:
Chìa (ra) - chĩa; dầu - dẫu (cho); đầm - đẫm; đầy - đẫy; lời - lãi; mồm - mõm; ngờ - ngỡ; thòng - thõng; rồi - rỗi; cội - cỗi; đậu - đỗ; (chống) chọi - chõi v.v...
3- Mẹo viết đúng dấu hỏi dấu ngã đối với từ Hán - Việt.
3.1- Khái niệm về từ Hán - Việt.
Từ Hán - Việt là từ vay mượn của tiếng Hán, nhưng được đọc theo cách phát âm của tiếng Việt.
Ðất nước ta đã bị các thế lực phong kiến Trung Quốc xâm chiếm, đô hộ hàng mấy trăm năm; sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài. Ðặc biệt là chữ Hán đã được dùng làm chữ viết chính thức của ta trong hàng thế kỉ. Vì thế cho nên tiếng Việt đã vay mượn từ tiếng Hán với số lượng rất cao. Hiện nay, số lượng từ Hán - Việt chiếm hơn 60% trong vốn từ vựng tiếng Việt. Ða số từ Hán - Việt là từ đa âm tiết: từ hai âm tiết trở lên.
Ví dụ:
An ninh, ẩn sĩ, bảo vệ, bản lĩnh, chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, dân chủ, độc lập, chiến tranh, hoà bình, hạnh phúc v.v...
3.2- Cách nhận diện từ Hán - Việt:
Nhìn chung, nếu không có vốn hiểu biết sâu rộng về Hán học thì rất khó nhận diện chính xác từ Hán - Việt trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, có thể dựa vào các cách sau đây để nhận biết chúng.
3.2.1- Dựa vào đặc điểm về ý nghĩa.
Từ Hán - Việt thường có ý nghĩa mang tính trừu tượng, khái quát cao. Vì thế, khi tiếp nhận từ Hán - Việt, chúng ta thường cảm thấy nghĩa của nó mơ hồ, khó giải thích. Chẳng hạn như nghe các từ: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, độc lập, tự do, hoà bình, chiến tranh, du kích, hàm số, hằng số v.v... Hay là chúng ta phải tìm yếu tố tương đương trong từ thuần Việt rồi mới suy ra được ý nghĩa. Chẳng hạn khi nghe các từ: ảo ảnh, ẩn sĩ, thực đơn, danh nhân, cường quốc v.v... chúng ta thường liên hệ đến các yếu tố tương đương rồi suy ra nghĩa của chúng.
3.2.2- Dựa vào trật tự phân bố của các yếu tố trong từ.
Trong lớp từ Hán - Việt, có một số lượng khá lớn từ ghép được cấu tạo theo quan hệ chính - phụ (C - P), gọi là từ ghép chính - phụ, trong đó, phụ tố thường đứng trước, chính tố thường đứng sau: P + C.
Ví dụ:
Ẩn ý, ẩn sĩ, cường quốc, dịch giả, tác giả, khán giả, văn sĩ, thi sĩ, viễn cảnh, cận cảnh, giáo viên, học viên, hội viên v.v...
Trong khi đó, từ thuần Việt thuộc loại này được cấu tạo theo trật tự ngược lại: C + P.
Ví dụ:
Người viết, người xem, người nghe, người đọc, nhà văn, nhà thơ v.v...
Dựa vào đặc điểm đã nêu, khi gặp một từ ghép chính phụ được cấu tạo theo trật tự P + C, thì ta có thể xác định đó là từ Hán - Việt.
3.3- Mẹo viết đúng dấu hỏi, dấu ngã đối với từ Hán - Việt.
Khi có thể nhận diện, xác định được từ Hán - Việt, chúng ta có thể vận dụng các mẹo sau đây để viết đúng hỏi, ngã.
3.3.1- Mẹo 1: thanh ngã.
Các từ Hán - Việt bắt đầu bằng các phụ âm được ghi bằng các chữ cái/tổ hợp chữ cái D, L, M, N, NG, NH, NGH, V có thanh ngã. Có thể dựa vào câu sau đây để nhớ các chữ cái / tổ hợp chữ cái vừa nêu(*):
Mình nên nhớ viết là dấu ngã (*)
Ví dụ:
D: Dã man, hướng dẫn, dĩ vãng, dĩ nhiên, diễn viên, diễm lệ v.v...
L: Lão hóa, lãnh đạo, lãnh tụ, lãng phí, lễ nghĩa, lũng đoạn, tích luỹ, v.v...
M: Mãnh liệu, mãn khóa, minh mẫn, mẫu hệ, mẫu giáo, mĩ thuật, mĩ lệ v.v...
N: Não bộ, truy nã, nỗ lực, phụ nữ v.v...
NG/NGH: Bản ngã, ngôn ngữ, ngưỡng mộ, đội ngũ, nghĩa vụ, nghĩa trang v.v...
NH: Hoà nhã, nhãn hiệu, nhẫn nại, truyền nhiễm, thổ nhưỡng, nhũ mẫu, v.v...
V: Vãn hồi, vãng lai, vĩ đại, vĩ tuyến, viễn xứ, vĩnh viễn v.v...
3.3.2- Mẹo 2: thanh hỏi.
Các từ Hán - Việt bắt đầu bằng các nguyên âm và âm đệm /-u-/, được ghi bằng các chữ cái A, Ô, Â, Y, U và các từ Hán - Việt mở đầu bằng các phụ âm còn lại, được ghi bằng các chữ cái/ tổ hợp chữ cái B, C, Ð, H, K, KH, PH, Q, S, T, TH, X có thanh hỏi. Trừ một số ngoại lệ.
A: Ảo ảnh, ảm đạm, quan ải v.v...
Ô: Ổn định, ổn áp, ổn thoả v.v...
Â: Ẩn sĩ, ẩn số, ẩn dật, ẩm thực v.v...
Y: Ỷ lại, ỷ thế, yểm hộ, yểm trợ, yểu mệnh, yểu tử, yểu tử v.v...
U: Ủng hộ, uổng mạng, uổng phí, uổng tử, uẩn khúc, ủy nhiệm, ủy viên, ủy thác, uyển chuyển v.v...
B: Bảo vệ, bản lĩnh, dân biểu, bảng nhãn v.v...
Ngoại lệ: Bãi (nghĩa là bỏ) trong hàng loạt từ: bãi công, bãi chức, bãi khóa ...; hoài bão, bão hoà, bĩ thái.
C: Cảm tình, cảnh cáo, cẩn thận, cổ tích, củng cố, cử hành, nghĩa cử v.v...
Ngoại lệ: cưỡng bức, linh cữu.
Ð: Ðảm nhiệm, can đảm, đảo quốc, đảng phái, điển hình, đả kích v.v...
Ngoại lệ: Ðãi ngộ, đãng tử, phóng đãng, hiếu đễ, đỗ trọng, đỗ quyên, Ðỗ (họ).
H: Hải cảng, hải quân, hảo hạng, hoan hỉ, hiển vinh, hủ tục, hoả pháo, hoả tiễn, hoảng hốt v.v...
Ngoại lệ: Hãi (nghĩa là sợ) trong các từ: sợ hãi, kinh hãi, ...; hãm hại, hung hãn, kiêu hãnh, hoãn binh, trì hoãn, hỗ trợ, hỗn hợp, huyễn hoặc, hữu nghị, hữu hạn, hãng (buôn).
K: Kỉ cương, kỉ luật, kỉ niệm, kiểm điểm v.v...
Ngoại lệ: Kĩ nữ, kĩ nghê, kĩ thuật, kĩ năng, kĩ xảo, kĩ sư, kĩ lưỡng
KH: Khả ái, khả năng, khảo hoàn, khảo cổ, khẩn cấp, khỏa thân, khẩu khí, khiển trách, khủng bố, khuyển nho v.v...
PH: Gia phả, phản chiếu, phản ánh, phẩm chất, phủ định v.v...
Ngoại lệ: Phẫn nộ, phẫn uất, phẫn chí, phẫu thuật.
Q: Quả cảm, quả phụ, quản lí, quản giáo, quảng cáo, quảng đại, quảng trường, quỷ kế, quỷ quyệt v.v...
Ngoại lệ: Quẫn bách, quẫn trí, cùng quẫn, quỹ đạo (đường đi của hành tinh).

S: Sản sinh, sản vật, sở hữu, sủng ái, lịch sử v.v...
Ngoại lệ: Sĩ, suyễn (bệnh hen), sãi (người đàn ông giữ chùa).
T: Miêu tả, vận tải, tản cư, tẩu thóat, tử trận, phụ tử, tiểu tiết v.v...
Ngoại lệ: Tiễn biệt, hỏa tiễn, tiễu trừ, tĩnh mịch, tuẫn tiết.
TH: Sa thải, thảm kịch, thảm họa, thản nhiên, thảng thốt, thảo mộc, thiểu số, thiển cận v.v...
Ngoại lệ: Mâu thuẫn, hậu thuẫn.
TR: Triển khai, trở lực, trưởng giả, trưởng nam v.v...
Ngoại lệ: Trữ lượng, tích trữ, trẫm, trĩ (bệnh), ấu trĩ, trĩ (chim).
X: Xả thân, xảo trá, ngu xuẩn, xử lí, công xưởng.
Ngoại lệ: Xã trong các từ: xã hội, xã tắc, xã giao.

1 nhận xét: