Chào mừng bạn đến với Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Vì sao học sinh học yếu môn Lịch sử?


Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học Thực trạng dạy và học lịch sử ở trường trung học phổ thông, tác giả Lê Văn Chuẩn (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) nhận định: “Học sinh trung học có lỗ hổng khá lớn về lịch sử VN”.
Học sinh học yếu môn Lịch sử
do cách dạy khô khan?
Theo kết quả khảo sát ở các trường phổ thông ở TPHCM, 82% HS trả lời sai câu hỏi về thời gian khởi nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 65% HS trả lời sai về thời gian Quang Trung đại phá quân Thanh, 56,7% HS trả lời sai câu hỏi về thời điểm ký kết Hiệp định Giơnevơ...
Tìm hiểu điểm môn Lịch sử qua báo cáo thống kê của tổ môn Lịch sử trường THPT Lê Minh Xuân (Bình Chánh) cho thấy:
HS học yếu môn Lịch sử ở khối 10 là 6 em; khối 11: yếu 25 em; khối 12: yếu và kém 107 em. Điểm trung bình môn Lịch sử của các khối lớp đã chứng minh điều này. Điểm trung bình môn Lịch sử lớp 10 là 7,75; lớp 11 là 6,61; lớp 12 là 5,90. Điều này lý giải rằng: HS lớp 12 đầu tư cho việc thi tốt nghiệp, thi ĐH nên không đầu tư vào những môn không thi.
Khảo sát về phương tiện tiếp cận lịch sử cho thấy, HS thích học lịch sử qua phim ảnh hơn là qua sách vở hay qua những lời giảng khô khan của thầy cô. Chỉ có 36,7% HS có cách tiếp cận lịch sử thông qua bảo tàng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, số HS học vẹt chiếm 33,6%. Giáo viên môn Lịch sử ở các trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), Lê Quý Đôn (quận 3), Lê Minh Xuân (Bình Chánh) đều có chung ý kiến rằng, sách giáo khoa môn Lịch sử quá nhấn mạnh sự kiện, con số, ngày tháng, nhưng thiếu hình ảnh.
Sách có quá nhiều chi tiết trong đó có những chi tiết không quan trọng mà vẫn đưa vào làm HS có cảm giác mệt mỏi khi phải học và nhớ chúng (ví dụ: sách giáo khoa lớp 12, đặc biệt là phần mô tả các chiến dịch lại có phần kết quả quân ta thu bao nhiêu vũ khí, diệt bao nhiêu quân địch).
Tuy nhiên sách lại có quá ít nhân vật lịch sử; quá chú trọng đến lịch sử quân sự trong khi đó lịch sử về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật còn chiếm dung lượng khiêm tốn; quá dàn trải, nhiều chi tiết không trọng tâm, không chọn lọc.
Từ tồn tại trên, tác giả Lê Văn Chuẩn kiến nghị: Sách giáo khoa dành cho HS phổ thông phải tinh giảm nội dung, chọn lọc những sự kiện chính yếu, cần tăng cường hình ảnh minh họa các nhân vật lịch sử.
Giáo viên cần phải có phương pháp giảng dạy ngắn gọn, chọn lọc những chi tiết quan trọng, nhà trường cần đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường làm cho bài HS động hơn. Tránh ra đề thi theo dạng học thuộc lòng mà phải mang tính tư duy, tổng hợp.
Phải đổi mới cách đánh giá kiểm tra HS. Kết quả học tập là kết quả kiểm tra hoặc thi, điểm thảo luận, điểm thuyết trình, điểm lên lớp, điểm tham gia các hoạt động ngoại khóa…
Cũng theo tác giả Lê Văn Chuẩn, gia đình và xã hội cũng cần định hướng cho HS học sử là nhằm giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận đúng vai trò, vị trí môn Lịch sử cũng như đối với các giáo viên dạy môn học này.
 Hoàng Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét